Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món ăn như bánh chưng, giò, chả, nem, thịt mỡ, dưa hành, thịt đông, hạt có dầu như hướng dương, bí, mắc ca, óc chó… Tuy nhiên, những món này lại chứa nhiều năng lượng, nhiều chất béo, nhiều bột đường, không tốt cho sức khỏe.
Bánh chưng
Bánh chưng cung cấp rất nhiều năng lượng. Một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa, chia 8 miếng, mỗi miếng trọng lượng khoảng 114 g, cung cấp 204 kcal, 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo và 33,9 g chất bột đường. Lượng kcal từ một miếng bánh chưng lớn hơn một bát cơm trắng (khoảng 180-200 kcal).
Nên ăn ít bánh chưng hoặc ăn miếng nhỏ. Có thể thay nhân thịt mỡ bằng đậu xanh giúp gan thải độc, đậu đen tốt cho thận, đậu đỏ tốt cho máu… Ăn kèm salad, rau xanh đỡ ngấy. Hạn chế ăn bánh chưng rán. Không ăn bánh chưng vào buổi tối. Khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại tinh bột khác như bún, phở…
Thịt đông
Thịt đông chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì của lợn hoặc gà, ngan…, chứa nhiều cholesterol xấu, giàu chất đạm và chất béo khiến người ăn dễ tăng cân, béo phì. Trong thịt có nhiều mỡ trắng, không tốt cho người mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa. Trẻ em ít vận động ăn nhiều thịt đông cũng có nguy cơ cao béo phì, tăng cân.
Bạn có thể ăn thịt đông với dưa chua, dưa hành, dưa cải muối phối hợp, giúp cơ thể tiêu hóa thịt dễ dàng hơn. Khi ăn thịt đông với cơm nên ăn lượng vừa phải hoặc với tần suất ít trong tuần. Ăn kèm thêm một số hoa quả sau bữa ăn để bổ sung chất xơ, vitamin…
Các món chiên xào, bánh kẹo không nên ăn nhiều. Ăn thực phẩm chiên rán có thể góp phần làm tăng huyết áp, giảm cholesterol tốt và gây béo phì. Đây là tất cả yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Hơn thế, thực phẩm chiên chứa nhiều calo hơn so với các phương pháp chế biến khác, làm tăng cân. Ngay cả khi không thêm calo, tiêu thụ chất béo chuyển hóa cũng làm tăng đáng kể mỡ bụng.
Vì vậy, các bà nội trợ lưu ý cân đối và thay đổi cách chế biến để bữa ăn đa dạng, hấp dẫn. Tăng cường món ăn từ cá như cá hấp, cá om dưa, thay món xào, chiên bằng món hấp, luộc.
Trẻ nhỏ hạn chế ăn bánh, mứt, kẹo, hạt có dầu, uống nước ngọt, không thức quá khuya và ăn vặt vào buổi tối. Vỏ của hạt hướng dương thường được phủ một lượng muối, vì vậy cắn hạt bằng miệng để tách vỏ sẽ vô tình đưa lượng muối vào cơ thể, không tốt cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ và cả người lớn, nên ăn theo bữa, không nên ăn quá no hay ăn quá nhiều bữa trong ngày. Rượu, bia, đồ uống có ga nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp… Nên hình thành thói quen không có rượu bia đảm bảo sức khỏe và an toàn giao thông. Uống nhiều nước để tránh cảm giác nóng trong người. Mỗi người nên uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Duy trì thói quen tập luyện ngày Tết, tập thể dục buổi sáng, vận động nhẹ trước khi ngủ để giảm bớt lượng calo ăn mỗi ngày.